Buổi họp đầu năm 2024 của Trunghocbmt68-75 tại BMT dự kiến vào ngày Chủ Nhật, 18 tháng Hai năm 2024, nhằm ngày mồng 9 tháng Giêng Giáp Thìn

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Có một nhà bảo tàng trong tôi

YBinh Mlo
 Tôi vừa đọc xong bài mới của Lê Khuyên về những ngôi trường xưa ở Ban mê. Bạn đã làm thức dậy bao kỷ niệm êm đềm lâu nay ngủ yên trong ký ức. Nói về ngôi trường cấp 1 thường chúng mình chẳng nhớ được bao nhiêu vì lúc ấy còn nhỏ quá tuy nhiên cũng có vài điểm nhấn mà mỗi người sẽ giữ cho riêng mình nỗi nhớ thương không thể nào quên.

Mình học ở trường Nguyễn Công Trứ 3 năm đầu cấp 1. Ở đây, buổi sáng dành cho học sinh nam, buổi chiều là học sinh nữ, nhưng lúc đó tên trường là “Trường Nữ Tiểu học I”.  Bây giờ, nhiều khi đi qua đây, mình như nhìn thấy lại hình ảnh giờ tan trường ngày ấy: hai hàng học sinh đứng hai đầu đường, ra hiệu cho các loại xe đang lưu thông phải tạm dừng, ưu tiên cho học sinh, tất cả các xe cộ đều nhường bước... Một nét văn hoá dễ thương.
Trò chơi trẻ con
Không hẳn là thời ấy học trò ngoan quá, nhưng chắc chắn là các cô giáo Trường Nữ Tiểu học I rất mẫu mực, được yêu kính nên học trò luôn biết vâng lời các cô. Trong ký ức mình, hình ảnh cô Hiệu trưởng và các cô giáo khác hoà vào nhau thành một hình ảnh chung duy nhất là Cô giáo, vừa nghiêm, vừa hiền lại giỏi nữa. Mình không nhớ được hình ảnh riêng của cô giáo nào, không nhớ lần nào cô rầy ai việc gì, có lẽ vì không có chuyện đó để mà nhớ.        

Trường mình là trường có tiếng ở Ban mê nhưng cũng chỉ có mấy căn nhà trệt, xếp thành hình chữ U, đơn sơ thân thiện. Góc sân bên phải- phía đường Quang Trung- có một cây Đa thật to, tán lá rộng phủ mát cả một vùng sân trường. Giờ ra chơi  hầu hết học sinh đều kéo về phía gốc Đa, chạy nhảy, nô đùa, nào là nhảy dây quay, dây căng, lò cò, trồng nụ trồng hoa, vừa chạy vừa “u u” …Cũng có nhiều bạn không chơi môn gì, chỉ đứng xem mọi người chơi không chán mắt. Cây Đa che mát ban ngày nhưng khi đêm về thì…tiếng lá xạc xào trong bóng tối nghe rất âm u, dám chắc người lớn cũng phải sợ khi đi ngang qua gốc Đa già ấy.

Cây Đa che mát ban ngày nhưng khi đêm về thì…tiếng lá xạc
xào trong bóng tối nghe rất âm u...
Bây giờ, trong số bạn học ở Trường Nguyễn Công Trứ ngày ấy, mình chỉ còn nhận ra Bích Hợp (sau này chuyển sang học trường Hương Đức), Cải Kim Khánh (sang học trường Bồ Đề)… Không biết Kim Khánh còn nhớ không, hồi đó, bọn mình học buổi chiều, nắng nóng quá, vừa nhiều mồ hôi vừa khát nước, các bạn thường mang theo nước uống bằng bình tông nhựa, riêng Kim Khánh thì mang một bình tông đầy nước hạt é vừa mát vừa ngọt. Giờ ra chơi, cả đám bạn trật tự hào hứng vây quanh, Kim Khánh hào phóng cho mỗi đứa uống một ngụm, lấy móng tay bấm làm dấu ngoài vỏ bình. Bạn nào lỡ uống quá “vạch” là bị các bạn trách móc và chắc là hôm sau không được uống nữa…
Mình chỉ học ở Nữ Tiểu học I – Nguyễn Công Trứ 3 năm. Đầu năm học lớp nhì, mình chuyển sang học ở Trường Trần Hưng Đạo (do năm ấy ba mình mua mảnh vườn ở khu Trần Hưng Đạo để vui lúc tuổi già).
Trò chơi trẻ con: Nhảy dây

Một sự khác biệt dễ nhận thấy là các bạn học ở Trường Nguyễn Công Trứ xưng hô với nhau là ”trò” và “tôi”, còn ở Trường Trần Hưng Đạo thì “cậu” và “tớ”, bất kể là bạn nam hay nữ. Ba mình giải thích rằng đó là cách xưng hô thân mật của “người Bắc”. Trường Cộng đồng Hưng Đạo có cả học sinh nam và nữ. Tuy lớp nam riêng, lớp nữ riêng nhưng vẫn học cùng buổi.
Ở Trường Nữ Tiểu học I không có thầy giáo, chỉ toàn cô giáo. Trường Trần Hưng Đạo thì có cả cô, cả thầy. Năm học này mình được học một thầy giáo người Chàm, mình không nhớ tên thầy, vì thầy dạy một thời gian ngắn rồi chuyển đi nơi khác và người thầy tiếp theo là thầy Quý.
Giống như ở Trường Nguyễn Công Trứ, sân Trường Trần Hưng Đạo, nơi học sinh xếp hàng chào cờ lúc nào cũng rất sạch sẽ. 
Xung quanh các lớp học trồng nhiều cây Đại, hoa nở thoang thoảng mùi thơm. Giờ ra chơi, các bạn nhanh thoăn thoắt trèo lên cây chơi trò “bịt mắt bắt dê”. Sau nhiều lần xem các bạn chơi vui quá,  mình cũng tìm một cành cây chắc chắn, trèo lên ngồi đung đưa cổ vũ nhưng không dám tham gia – mình vốn là “con bé chậm chạp, nhút nhát” mà. Nữ sinh trường này, ngoài những môn chơi dành cho con gái như chuyền thẻ, ô ăn quan, nhảy dây, … các bạn còn đá cầu, đánh đáo, đánh khăng …như các bạn nam, rất năng động, tự tin, (tiếc rằng hồi đó chưa có bóng đá nữ !).
Năm mình học lớp nhất, trường có tổ chức “Trại Xuân”, lớp mình cũng dự thi nấu nướng. Mình không nhớ đã thi nấu những món gì, chỉ nhớ hôm ấy trên quần áo, mặt mũi  mình dính đầy lọ nghẹ.
Ở đầu hồi dãy phòng học lớp 5 có nhiều bụi tre mọc um tùm, các bạn thì thầm vói nhau rằng dưới đó có hầm bí mật. Một lần mình theo mấy bạn đi “thám hiểm”: chân bám vào các gốc tre, tay thì níu cành tre, tụt sâu xuống để khám phá cái gọi là “hầm bí mật”… Cuối cùng bọn mình đặt chân lên một dải đất bằng phẳng, mát rượi, ánh sáng cũng đủ để đọc sách chứ không tối như “cửa hầm“ trên kia. Thì ra đây là bờ một con suối nhỏ. Trên cao, những tầng lá tre xanh dày phủ kín, nắng không thể chiếu qua. Nơi bọn mình vừa tụt xuống chỉ là một bờ đất cao của dòng suối nhưng nó có vẻ … như vậy vì những bụi tre mọc dày kín nên tối tăm và gây cảm giác sợ. Bờ suối bên kia có nhiều người nông dân đang cần mẫn chăm sóc những đám rau xanh mướt, chẳng quan tâm gì tới “lũ con nít” chúng tôi đang reo hò chạy nhảy ở bên này. Ở đây thật là thú vị, nhưng mình chẳng dám xuống lần nào nữa vì sợ lỡ trượt chân lăn tòm xuống suối.
Ngỡ rằng nhà mình sẽ ở đó lâu và mình sẽ còn học ở Trường Trần Hưng Đạo nhưng sau Tết Mậu Thân, gia đình mình trở lại ở căn nhà cũ trên phố. Vì mình học chưa hết năm học nên mỗi buổi sáng ba chở mình bằng xe đạp đến Trường Trần Hưng Đạo, trưa học xong, mình ở lại trong vườn nhà, chờ chiều ba đi làm về đón.     
Những ngày học cuối cùng ở Trường này, mình thấy tiếc. Chưa kịp làm quen với trường mới, bạn mới trong khi các cảm nhận đang dần dần khắc sâu điều hay lẽ phải, tình nghĩa thầy trò, bạn bè, quang cảnh thôn quê hiền lành, trong sáng...Gần 2 năm sống và học ở đây, tuổi thơ mình đã trôi qua thật êm đềm với nhiều kỷ niệm thân thương vế trường lớp, thầy cô, bạn bè, về ngôi nhà, mảnh vườn gia đình, ba má, chị em…Để khi đi xa rồi nhớ, thật đúng  như Chế Lan Viên đã viết:
…Đất ta ở chỉ là nơi đất ở,
Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn…
Ngôi trường Nguyễn Công Trứ đến năm 1978 thì không còn nữa. Người ta dời bến xe Lam từ cuối đường Tôn Thất Thuyết về sau lưng trường, (ở đường Nguyễn Thái Học ) và toàn bộ diện tích của Trường trở thành khu chợ khang trang. Cây Đa sân trường thì còn được lưu giữ vài năm sau đó nhưng rồi cũng bị hủy đi để tránh tai nạn do cành cây rơi gãy nơi đông người.
Rồi…cuộc bể dâu lại biến khu chợ khang trang đó thành khu nhà của các đại gia.
Bây giờ, cây Đa to chỉ còn thấy mờ mờ trên cung trăng những đêm trăng tỏ, ngôi trường xưa chỉ còn trong ký ức – đó là Bảo tàng trong tôi, nơi ấy“bể dâu” không thể nào động tới …

Mình mong một ngày thật gần đây sẽ cùng các bạn cộng đồng Hưng Đạo về thăm lại Trường xưa.    
Cô Trang, Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Công Trứ,
Hiện sống ở Saigon (Cô Trang với thầy Liễn)

1 nhận xét:

Ảo vọng nói...

Tôi cũng học ở Nguyễn Công Trứ đầu những năm 70. Anh Ybinh làm tôi nhớ lại những ngày xa xưa, đúng là sau mỗi buổi học, đều có đoàn học sinh giang tay chắn ngang cho các bạn khác qua đường. Rồi bóng cây đa hùng vĩ và thâm u vào mỗi chiều tà, chúng tôi thường chạy vòng quanh nó và đá banh bên cái sân rợp mát nhờ có sự che phủ của nó. Bây giờ, tất cả chẳng còn gì ngoài ký ức nuối tiếc cũng chuẩn bị vùi lấp ...