Buổi họp đầu năm 2024 của Trunghocbmt68-75 tại BMT dự kiến vào ngày Chủ Nhật, 18 tháng Hai năm 2024, nhằm ngày mồng 9 tháng Giêng Giáp Thìn

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

TÂM SỰ KHI NGƯỜI TA GIÀ

   LÊ KHUYÊN
 vượt qua bao sóng gió và cùng nhau đi đến cuối cuộc đời. ..
  Không biết tự bao giờ mình bắt đầu chú ý đến những người già lão và bắt đầu biết cảm thương họ, có lẽ từ lúc mình cảm nhận được tuổi già đến mau quá và mình nhìn nơi  họ hình ảnh của mình đôi mươi năm nữa.
       Cách đây không lâu mình có xem  tấm hình của một gia đình” tứ đại đồng đường” trên báo, và một bài viết khen ngợi, bốn đời sống chung mà vẫn ấm êm. Cũng mấy hôm sau có ý kiến người ta comment rằng, con cháu trong gia đình này nói, thật ra họ không hạnh phúc viên mãn đến như vậy, và cuộc sống chung  thật ra cũng ngột ngạt lắm.
       Điều đó mình nghĩ  cũng là lẽ thường thôi, vì tuổi già và tuổi trẻ nó cứ như là hai mặt của một tấm huy chương, cứ như là hai mặt của cuộc đời. Nó có chút gì  là đối nghịch, chút gì đối kháng, và cả đối lập nữa. Lúc mình còn bé mình rất ghét người già ( cho dù đó  là người thân của mình đi nữa). Có lẽ vì mẹ mình hay nhát, nếu con không ăn cơm mẹ sẽ gọi ông già, hay nếu con không ngủ sớm mẹ sẽ kêu bà già bắt. Gần sát nhà mình có ông già Sáu, ông là hung thần của đám con nít tụi mình. Đứa nào khóc nhè mà nghe nói gọi ông Sáu  là nín khe ngay, bởi vì ông sẽ cất giọng ồm ồm : đứa nào khóc vậy, có muốn  ông Sáu ăn thịt không. Như vậy đó…Và người già đối với mình cứ như là  ông  ngáo ộp, như bà phù thủy.
       Lúc đó ba mẹ mình còn trẻ, nhưng nhà mình còn có một ông bác họ không vợ  không con. Ba mình thương anh  đem về nuôi dưỡng. Ông Bác của mình vừa già nè, tóc thì bạc, răng thì rụng, miệng thì móm còn hay càu nhàu, ngủ thì ngáy to. Bác có trách nhiệm trông coi đám nhóc trong nhà, không cho tụi mình nghịch ngợm  làm mình ghét ông lắm.
       Dần lớn lên  năm mười mấy tuổi, bắt đầu biết  tập tành đọc tiểu thuyết. Có lần mình vớ được tập truyên của nhà văn Mai Thảo. Trong đó kể lại mối tình của hai nhân vật đã ngoài ba mươi tuổi. Lúc ba mình phát hiện tịch thu, mình phân trần : con có coi đâu ba, truyện đó chán lắm, cứ mấy người già thôi.. Với một cô bé mười lăm như mình thì ba  mươi mấy là già lắm. Những nhân vật đó đáng bằng ba mẹ mình rồi, lẽ ra họ nên sống vì bổn phận và lẽ ra họ không nên yêu nhau nữa.
      Có một khoảng thời gian mình về Sài Gòn ở với bà nội để đi học. Nhà có hai bà cháu, mình học lớp đêm nên chín mười giờ mới về đến nhà. Khuya rồi mà bà nội vẫn bắc cái ghế ngồi ngoài hè đợi mình. Chẳng cảm động chút nào vào nhà mình nhăn nhó : nội ơi con đi học  chớ có đi chơi đâu, nội cứ ăn cơm và ngũ trước đi. Nhưng nội vẫn chờ mình mỗi đêm và điều đó làm mình rất bực bội. Ít lâu sau bà nội theo chú Út đi xuất cảnh nước ngoài. Mấy năm sau  nữa  nội mất luôn ở bên đó, nội đã đi và đi mãi như vậy … Nội yên nghỉ trong một nghĩa trang trên một ngọn đồi ở mãi tận Cali mà mình chỉ nhìn thấy qua ảnh. Mấy chục năm rồi, cũng có khi mình nghĩ có lẽ phải thu xếp và cố gắng để đi thăm nội, mình  sẽ ngồi bên mộ bà  nội để khóc một lần cho đã. Khóc cho cái con bé trái tính trái nết ngày xưa, khóc cho một khúc quanh cuộc đời mà gia đình mình phải nghìn trùng xa cách, và khóc cái tuổi già đang đến với mình, rồi mình cũng sẽ bắc ghế ngồi đợi cháu như nội ngày xưa.
       Có một câu bà nội mình hay nói : khi nào con già rồi con sẽ hiểu. Bây giờ đôi khi mình vẫn nói với mấy đứa nhỏ ở nhà y sì cái câu nói của  nội ngày xưa. Lịch sử lập lại, chỉ có điều khi hiểu ra thì người ta không còn trẻ nữa và những người thân yêu cũng không còn ở  bên cạnh mình . Ba mình cũng mất sau bà nội chỉ một năm còn mẹ mình đến sống với mấy đứa  em ở xa… xa lắm…
        Bạn bè quanh mình  bây giờ đa phần cũng cùng hoàn cảnh như mình, bạn thì mất ba, bạn thì  mất mẹ, có bạn không còn cả ba và mẹ. Nhưng  cũng có vài bạn may mắn lắm vì còn cả bố lẫn mẹ, mình vẫn nghĩ bạn đó thật là hạnh phúc. Nhiều lần đến thăm các bạn, mình  biết  chăm sóc người già cũng không dễ dàng gì, nhất là những lúc các cụ ốm đau. Một  bạn nữ đã tâm sự với mình :.. vất vả lắm, nhưng ngày nào mẹ còn bên mình là mình còn cảm giác an vui …Mình tặng bạn câu ca dao này, cũng là tặng cho chính mình :
                                Đêm đêm con thắp đèn trời
                            Cầu cho cha mẹ sống đời với con
        Tháng ba vừa rồi tụi mình có đến thăm thầy cô Lê Viết Lâm nhân thầy cô về thăm quê hương. Thầy đã 82 tuổi còn cô cũng đã 77. Mình  cứ ngồi yên thật lâu  khi các bạn trò chuyện , để ngắm cô thầy ngồi bên nhau và mình rất ngưỡng mộ. Họ đúng là những nhà mô phạm của thế kỷ trước, nhũng đôi lứa yêu nhau bền vững, vượt qua bao sóng gió và cùng nhau đi đến cuối cuộc đời. ..Em cũng xin chúc tất cả các thầy cô được sức khỏe, đươc bình yên bên nhau và  mãi mãi yêu nhau. Bây giờ thì em biết, ở tuổi nào người ta cũng cần được yêu thương.
        Ai cũng có một thời trẻ tuổi, cái  tuổi trẻ vui tươi nhưng cũng đầy nông nổi, cái tuổi mà người ta dễ mắc phải những sai lầm. Lúc đó có ai bảo rằng bạn đã sai rồi thì nhất định không chịu đâu. Chỉ mãi về sau , khi dòng sông đời cứ trôi đi qua bao ghềnh thác, mọi điều vỡ vạc ra thì tuổi già đã thấp thoáng. Nhưng cuộc đời vẫn cứ là như vậy, dòng sông  đời vẫn cứ trôi đi… và lịch sử vẫn lập lại.
        Vậy cũng nên  tha tội chết cho đám tuổi trẻ hậu sinh các bạn nhỉ … Bởi vì ai cũng có một thời….
                                                                                                 LÊ KHUYÊN

                                          

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Lê Khuyên nhầm tí xíu: "Tứ đại ..." chớ !

Bạch Yến nói...

cám ơn bạn nhiều nhe mình đã sửa rồi, ý là mình có đọc lại mà vẫn không phát hiện ra. hi hi lại một dấu hiệu của tuổi già
Lê Khuyên