Buổi họp đầu năm 2024 của Trunghocbmt68-75 tại BMT dự kiến vào ngày Chủ Nhật, 18 tháng Hai năm 2024, nhằm ngày mồng 9 tháng Giêng Giáp Thìn

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Xuân tha hương- Nguyễn Thuỷ Nam

( Bài viết  gửi cho Trunghocbmt68-75, phản ánh quan điểm của tác giả)

Tính từ mùa xuân năm 1975 đến nay, chúng ta những người Việt hải ngoại đã trải qua 39 mùa xuân trên đất khách. Dĩ nhiên, các cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới, nhất là ở Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Canada...Mỗi dịp xuân về thường tổ chức hội chợ tết. Cũng có múa lân, đốt pháo trong giờ phút thiêng liêng đón giao thừa mừng năm mới. Tại các chùa, nhà thờ cũng nêu cao, pháo đỏ, bánh chưng, bánh tét...cũng rực rỡ những cành mai, cành  đào ( cả hoa thật lẫn hoa giả) trong các tụ điểm tổ chức hội xuân.

Nhưng cái không khí Tết Nguyên Đán VN phần nào đã bị phôi pha, nhạt nhoà, bị tan loãng trong những sinh hoạt hàng ngày của xã hội Tây phương. Do đó, lòng chúng ta hình như vẫn thiếu thốn một cái gì khó nói nên lời ! Phải chăng trong ngõ ngách sâu thẳm của tâm hồn, chúng ta âm thầm cảm thấy tiếc nhớ những mùa xuân, những cái tết tưng bừng rộn rã ngày nào nơi quê nhà xa xôi ?
Trân trọng mời quý vị thưởng thức những vần thơ tha thiết của Nguyễn Bính để  cùng thấm thía nỗi buồn của những mùa xuân trên đất khách. mặc dù Nguyễn Bính  chỉ ăn cái Tết xa nhà giữa 2 miền Nam -Bắc, trên cùng một quê hương VN. Những cảm nhận, những mỗi cảm xúc của ông khi phải " ăn một cái tết ngoài thiên hạ" sao bỗng dưng tương hợp với tâm trạng não nề  của chúng ta mỗi khi xuân về, tết đến.
Bốn biển vẫn chưa yên sóng gió,
Xuân này em chị vẫn tha hương.
Vẫn ăn cái tết ngoài thiên hạ,
Son sắt say hoài rượu bốn phương,
Và: 
Em đi non nước xa xôi quá
Mỗi độ xuân về bao nhớ thương !
Mỗi độ xuân về em lại thấy
Buồn như tên lính ở biên cương !
Hay :
Từ em lưu lạc ngoài muôn dặm,
Một đoạn đường đi, một đoạn trường,
Đất khách tình dâng hoà mắt lệ,
Ôi nhà ! Ôi chị ! ôi quê hương !
(Xuân tha hương)
Trong cái tâm tư phiền muộn của xuân đất khách, nhà thơ đã hơn một lần đắm chìm trong hơi men cay đắng của những chén rượu xa nhà, ngõ hầu có thể tìm quên giây phút não nề, qua những cái tết tha hương :
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng...
Chắc chị đời nào quên nhắc nhở:
Xa nhà, rượu uống có say không ?
( Xuân tha hương)
Cùng tâm sự ấy, trong những ngày xuân mới trên xứ người, nhà thơ Trần Trung Đạo đã âm thầm nhỏ lệ, xót xa, bồi hồi tưởng tiếc đến những kỷ niệm êm đềm, những mùa xuân xưa trong dĩ vãng:
Ai có về bên kia đất nước
Thở dùm tôi hơi ấm quê hương.
Toi con én lạc, mùa xuân trước,
Vẫn khóc âm thầm nơi viễn phương !
Và :
Vẫn đêm xuân về trên đất khách,
Nghe buồn nhỏ lệ xuống vai tôi.
Đèn ai thắp sáng bên kia phố,
Nhớ quá, chao ôi tiếng mẹ cười.
( Xuân đất khách)
Và, khác với Nguyễn Bính, nhà thơ không màng tìm quên bên chén rượu nồng, ông chỉ âm thầm uống cạn,đến giọt sau cùng chén quan hà với nhiều đắng cay:
Lòng tôi cũng bạc theo màu áo,
Chiếc pháo giao thừa đã tả tơi,
Chén rượu mừng xuân tôi chẳng uống
Chỉ uống đêm nay những ngậm ngùi...
( Xuân đất khách)
 Chúng ta hãy cùng chia sẻ với Minh Đức Hoài Trinh về những nỗi đoạn trường, về những bùi ngùi cay đắng, những bồi hồi nhớ tiếc. Đó cũng là nỗi buồn chung của chúng ta, những phận người lưu lạc tha phương, một lần nữa, phải trải qua một cái tết buồn tênh nơi xứ lạ quê người:
Thế mà con mẹ vẫn tha hương
Xa mẹ, xa nhà , xa mến thương.
Trừ tịch đêm nào hồng tiếng pháo
Nơi đây chỉ thấy tuyết mờ sương!
Và:
Xuân này con mẹ vẫn tha hương
Mẹ một phương trời, con một phương
Tóc trắng, mẹ già thêm chút nữa
Và, con nhoà nhạt tiếng yêu đương!
( Xuân vẫn tha hương)
 Chúng ta hãy cùng ngậm ngùi, cũng buồn thương, tưởng tiếc với Hà Huyền Chi trong cái khung cảnh bẽ bàng của mùa xuân xa xứ quạnh hiu:
D0on1 xuân trên đất nước người.
Cạn bao nhiêu rượu không vơi sầu
(Xuân trên xứ người)
Hay : Ta chào nhau năm mới,
Lời chúc trượt trên  môi.
Bắt tay cười hể hả,
Quay lưng dấu ngậm ngùi !
( Xuân lữ thứ)
Đề kết thúc bài tiểu luận Xuân tha hương, chúng ta hãy cùng bồi hồi bâng khuâng để ngọn trào lòng dạt dào, cảm xúc với Đỗ Quý Toàn, khi nhà thơ tình cờ chợt thấy một cánh hoa báo xuân, nở lẻ loi, khiêm tốn bên đường, trên vùng đất tạm dung:
Buổi sáng chờ chuyến xe lửa,
Bỗng đưa mắt nhìn xuống bên đường,
Một nụ hoa vàng chói rực rỡ
Nhìn kỹ đúng hoa báo xuân.
Hoa báo xuân đầy ở làng mình.
Nơi đây chỉ có một bông lẻ...
Khép nép trong bụi cỏ rối ren,
Bao người qua lại chẳng ai ngó !...
( Gặp hoa báo xuân trong thành phố)
Cành hoa báo xuân nở lẻ loi, cô độc bên đương, lẫn trong nội cỏ ngàn cây, chẳng ai buồn nhìn tới, phải chăng chính là những mùa xuân hiu quạnh, nhạt nhoè và lặng lẽ về trên xứ người, xui khiến lòng khách tha hương ngẩn ngơ, nhớ tiếc đến những mùa xuân xưa mà giờ đây, chỉ còn sương khói dư âm kỷ niêm, trong vùng ký ức ngậm ngùi:
Xứ người tuyết đổ lạnh lung,
Đón xuân hiu quạnh, nát lòng hoài hương...
( Xuân hiu quạnh- Hà Huyền Chi)
Nguyễn Thuỷ Nam, S.A, 2010- Biên tập lại 10/2/2013


1 nhận xét:

Bạch Yến nói...

Thầy ơi quê nhà vắng thầy nhưng lại thêm một thi sĩ viễn xứ.