Mắc mớ gì có người nhắc đến tên rừng làm tôi nhớ! Lao xao gió, lao xao nắng, lao xao tiếng lá rơi, tiếng chim, tiếng ong, tiếng ve... Lao xao đàn bướm rập rờn, từng lớp lá khô lăn tròn vỡ vụn... Nhà ngoại tôi ở gần khu rừng ấy, con đường vào rừng hai bên vàng rực hoa dã quì, nhà làm bằng ván xẻ từ cây rừng rắn đến nỗi đinh đóng không vô. Lúc ấy tôi mới 5,6 tuổi. Ngày nào bọn nhỏ chúng tôi cũng ráng ngoan ngoãn để chủ nhật được theo người lớn đi rừng, ăn cơm, ở lại cả ngày trong rừng, hái trâm, hái nhãn và dâu rừng, bẻ măng, lấy mật ong, hái nấm, lấy nhộng... Những trái trâm no tròn tím rịm, ngọt lừ, chỉ cần rung cành là trái rụng nhặt đầy cả bao, trái nhãn rừng nhỏ bằng ngón tay, ngọt và thơm mùi đặc biệt :mùi nhãn rừng.Trái dâu rừng chua lắm nhưng nhấp hết vị chua còn đọng mãi nơi đầu cuống họng cái ngòn ngọt là lạ... Đi lấy mật ong thì có cái trùm đầu bằng vải mùng, người kín mít như con robot bằng vải. Chúng tôi tha hồ chấm quẹt những dòng mật nổi bọt vàng ươm, nhấm nháp miếng sáp non deo dẻo. Thú vị nhất là hái nấm. Những cơn mưa đầu mùa trút xuống, sáng mai đi sớm hái nấm, trễ thì nấm tàn. Cứ gạt lớp lá ẩm mục là những mảng nấm hiện ra, nấm mối, nấm sao nhiều vô kể. Trời mưa ngồi nhà đúc bánh xèo nấm, vừa thổi vừa ăn, cả đời không quên ! Măng ăn không hết, luộc phơi để dành đến tết, cành khô chất đầy chụm cả năm... Bọn nhỏ tôi tha hồ đuổi bướm, hái hoa, thỉnh thoảng có con thỏ, con cheo phóng qua, có bầy sóc chuyền trên cây còn dám giương đôi mắt tròn nhìn trân trân.
Mười một, mười hai tuổi chúng tôi tự đi vào rừng không có người lớn. Thôi thì đủ trò: trốn tìm, rượt bắt, đu trên những cái dây rừng to hơn cổ tay, làm nhà... Rồi đem xe đạp và tu huýt đi rình các anh chị lớn, bỏ xe ngoài bìa rừng, nấp vào 1 chỗ đợi cặp nào vô rừng là thổi còi cái roét rồi bỏ chạy thục mạng, leo lên xe đạp phóng về, không kịp và không cần biết họ có vân vê xé lá hay di di mũi giày lên cỏ hay không?
13,14 tuổi nhu mì hơn 1 chút, theo chị vào rừng bắt bướm ép dán vào quyển sổ và đặt tên từng con. Thưở ấy tôi mê truyện kiếm hiệp nên bướm tên toàn là Dương Quá, Hoàng Dung, Tạ Tốn, ông già áo xanh...Tuỳ theo sắc diện mỗi con. Có một lần mê bắt bướm về trễ giờ đi học, tôi lén chui vào giường giả bệnh. Chiêu này tuyệt quá, vừa được nghỉ học vừa được ăn cam, uống sữa (2 thứ cao cấp ngày ấy). Tôi nghe bà ngoại dặn 3 đứa em:" không đứa nào được đụng vô lon sữa nghe". Một lát sau ba cái đầu khét nắng thò vào cửa lén nhìn, tôi phát cho mỗi đứa một miếng cam để cứu cái lương tâm tội lỗi của mình. Chỉ đến khi bàn tay ấm nồng của ngoại đặt lên trán tôi thì cái phần Người trong veo trong tôi lên tiếng. Đây là lần duy nhất trong đời tôi nói dối bà ngoại. Sau hôm đó tôi không bắt bướm nữa mà thay vào đó đi hái rau rừng về làm thức ăn cho cả nhà.
17 tuổi có người con trai rủ tôi vào rừng. Đi thì đi, sợ gì. Tôi xăm xăm đi trước huyên thuyên đủ chuyện, nào ong, nào măng, nào nấm... Biết gì về khu rừng này tôi tuôn ra hết, người kia đi theo cũng không kịp nói gì đến nghe! Quay trở ra thấy đã chiều, tôi phang một mạch vừa cho kịp nấu cơm, vừa sợ ông ngoại la cái tội " đi với trai"! Giá như hôm ấy tôi đứng lại hái một chiếc lá giả bộ hỏi cây tên gì (dù đã biết tỏng) rồi nhìn xuống xé xé, có lẽ người kia cũng di di mũi giày vào đám cỏ vô tội. Sự thể có thể đã khác, cũng lao xao đó mà lao xao kiểu khác. Chuyện này trước kia lúc thằng con còn nhỏ tôi chưa kể còn đứa cháu nội ngày nay chưa biết chữ đọc những dòng này, nếu không tôi sẽ bị hỏi sao vậy. Sao là sao? Có trời mới trả lời được .
Khu rừng xa dần rồi biến mất hẳn trên mặt đất, còn người đã thành một bà già tóc bạc, những vui buồn cuộc đời chiếm dần chỗ, khu rừng lùi mãi vào một góc bé tí của trái tim, ban đầu còn lxao lxao sau thì im hẳn.
Mắc mớ gì người ta nhắc đến tên rừng. Để rồi..,
Vậy đó. Hình như mỗi người BM đều có một cõi lao xao. Thiêng liêng. Trầm măc. Da diết. Sâu thẳm. Cứ lẩn thẩn đi tìm dẫu biết rằng có còn gì đâu mà tìm ! Cứ quay quắt tìm, quay quắt trở về...
Bạch Trầm 4-2015