Buổi họp đầu năm 2024 của Trunghocbmt68-75 tại BMT dự kiến vào ngày Chủ Nhật, 18 tháng Hai năm 2024, nhằm ngày mồng 9 tháng Giêng Giáp Thìn

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

NHỮNG NGÔI TRƯỜNG XƯA ở BAN MÊ



Lê Khuyên
 Ngày mình còn nhỏ, công việc của ba mình khiến ông phải thường xuyên di chuyển nhiều nơi. Nha Trang, Pleiku, Kontum, Sài Gòn và Ban Mê Thuột, đi đâu ông cũng kéo theo cả bầu đoàn  thê tử.Việc học của chị em mình cũng vất vả lắm mới theo kịp các bạn, năm lớp nhì mình học đến ba trường. Đến năm 1968, từ lớp nhất (*) trường Vinh Sơn mình đậu vào đệ thất trường công. Thấy con đã vào Trung học, hơn nữa quân số chị em mình lúc đó đông quá đến bảy đứa. Ông đành để gia đình ở lại Ban Mê Thuột, một mình đến nơi làm việc.

    Từ đó mình không phải dời chuyển trường nữa, và được vào học ngôi trường Trung học có thể nói là lớn nhất Ban Mê thời đó- Trường Tổng Hợp BMT- Trường cũng có một bề dày lịch sử lâu đời và Hội Cựu Học Sinh cũng hoạt động từ lúc đó. Cứ mỗi Hội Xuân các anh chị đều có cử người về dự , còn tổ chức những buổi nói chuyện và hướng nghiệp cho lớp đàn em. Có lẽ các thầy cô của tụi mình học Đại Học Sài Gòn đều ở nhóm cựu học sinh kỳ cựu này. Không biết các anh chị ấy giờ phiêu bạt phương trời nào, nhưng cũng đã lưu những bước chân ở ngôi trường Tổng Hợp năm xưa, cũng là tiền thân cho nhóm Cựu học sinh của tụi mình bây giờ … và còn tiếp tục nữa….


    Dân Ban Mê vốn là dân tứ xứ, nhưng cũng hiếu học và biết đùm bọc nhau.Thị xã hồi xưa bé tí nhưng cứ một Ngôi Chùa, một Nhà Thờ xứ là có một ngôi trường nho nhỏ vài ba lớp tiểu học, học phí thì tùy theo khả năng, ai nghèo quá thì miễn còn cho thêm sách vở quần áo. Đó là chưa kể đến những lớp học tư thục, thường là do những ông giáo già về hưu mở dạy nhưng thường là cấp tiểu học thôi. Gần nhà mình có  trường tư thục Sông Hồng, tư thục này chắc các bạn biết nhiều vì sau này buổi tối thầy Sỹ và thầy Nam mở lớp đêm ở đây và có khá đông các bạn đến học.

Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ ( góc trái, phía trên)
      Trường tiểu học nổi tiếng nhất thị xã lúc đó có lẽ là trường Tiểu Học  Nguyễn Công Trứ. Trường nằm ở ngả tư Phan Bội Châu và Tôn Thất Thuyết (bây giờ là Lê Hồng Phong ). Giữa sân trường có một cây đa cổ thụ cao ngất, phía sau trường là Đình Lạc Giao.Trường chia ra hai buổi học, sáng là các nam sinh học,  chiều đến các nữ sinh học và gọi tên riêng là Nữ Tiểu Học (hồi xưa phong kiến thật, nam nữ phải học riêng). Đây là nơi xuất thân của các tài năng Thu Hiệp, Quế Phượng, Thanh Sương…Đa số các bạn vào Tổng Hợp đều đi từ trường này, một ít đến từ Vinh Sơn, một ít nữa đến từ trường Tiểu học Cộng Đồng  Trần Hưng Đạo như các bạn  Viết Kình, Minh Thắng, Hùng,  Ngô thị Bình, Vương thị Tiến, Sâm, Phú Xuân... Mình vẫn còn nhớ một vài trường cũ nữa, đơn giản là vì gần nhà mình, như trường Tiểu Học Lam Sơn. Trường nằm trên một khu đất rộng nhưng chỉ xây cất nhẹ bằng gỗ, nền xi măng cao hơn mặt đất cả mét, đi lên bằng ba bực cấp. Mình có học ở đây được ba tháng, sau chuyển qua trường Vinh Sơn. Bây giờ  cũng trên khu đất này đã xây cất lại rất lớn là trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm. Gần đó qua một ngã tư là Trường Trung Học Bán Công, thầy Lê Thanh Nhàn là hiệu trưởng của trường này. Bây giờ  được đổi tên là Trường trung học cơ sở Phạm Hồng Thái. Sát bên  trường Bán Công là trường Tiểu học La San Lam Sơn. Những ngôi trường ở đây đều có chữ Lam Sơn vì khu dân cư này gọi là khu Lam Sơn. Mình có đứa em trai học ở đây, mỗi sáng mình có nhiệm vụ dắt nó đến trường La San rồi mới qua trường Vinh Sơn học (Vì hắn là con trai không được nhận vào trường nữ Vinh Sơn). Sau này ba mình xin cho nó qua học ở Tiểu học Thánh Tâm, sát bên Vinh Sơn để chị em tiện đường đi học. Hai trường này đều nằm trên đường Phan Chu Trinh , gần Nhà Thờ Lớn. Dẫu sao, thời ấy những trường đó có chút tiếng tăm và ở quanh phố, vì còn bé, mình cũng chỉ biết loanh quoanh như thế.
Trường Lasan
     Lên Trung học rồi mình giao phó chuyện dắt em đi học cho nhỏ em kế, còn mình chuyển qua đi đường Quang Trung cho nó…sang. Sáng sáng mình và mấy nhỏ bạn đi ngang góc đường Lý Thường Kiệt và Quang Trung thấy các bạn học sinh trường La San Đồi đứng đón xe trường. Trường La San nằm riêng rẽ trên một ngọn đồi cao và khá xa phố nên có xe buýt chở học sinh đến trường ( bây giờ trường này là trường Cao Đẳng Sư Phạm Ban Mê Thuột). Đi bộ một đoạn nữa đến ngã tư Quang Trung - Hai Bà Trưng là nơi đón xe của các bạn Trung học Nông Lâm Súc Học sinh trường này có đồng phục là áo sơ mi nâu. Lớp mình cũng có bạn tên là Phạm thị Cao Nguyên năm lớp 8 chuyển qua học Nông Lâm Súc.Có lần tụi mình làm một bản lý lịch có câu hỏi sau này các em dự định học ngành gì, nhỏ bạn khều mình nói :’ tao tội cho mấy đứa Nông Lâm Súc quá”, mình hỏi sao vậy hắn lại nói :" thì tụi mình có nhiều chọn lựa còn học Nông Lâm Súc thì sau này lên Đại học Nông Lâm Súc chớ đi đâu nữa”. Ý nghĩ của hắn cũng tức cười, nhưng cái cách học hướng nghiệp ngay từ lớp nhỏ này mình nghĩ cũng rất hay. Ngoài trường này, còn một trường hướng nghiệp nữa là trường Trung Học Kỹ Thuật, học sinh trường này mặc đồng phục áo quần màu xanh công nhân.. Tuy trường nam sinh nhưng lại được xây cất rất đẹp, hai tầng và có những ô cửa sổ tò vò nhỏ nhỏ. Có một lần đội tuyển bóng chuyền trường Tổng Hợp qua thi đấu với Đội bóng trường Kỹ Thuật, thầy Hoàng Trọng huy động lớp mình đi cổ vũ . Đây là lần đầu tụi mình vào trường này. Vừa qua khỏi cổng tụi mình nghe tiếng hò reo và các cánh tay từ những ô cửa sổ thò ra vẫy vẫy, làm cả nhóm áo dài cũng hơi khớp. Tụi mình nói với nhau ,  trường đẹp vầy giá mà để nữ sinh học thì hay hơn. Bây giờ trường có tên mới là Cao Đẳng nghề Daklak.
     Nhưng Kỹ Thuật, Nông Lâm Súc, hay Tổng Hợp đều là trường công, lúc đó còn có các trung học tư thục như Trường Hưng Đức, trường Bồ Đề. Những năm mới họp lớp các bạn Hưng Đứcvà Bồ đề có đến họp chung với cấp lớp mình, vài năm sau các bạn tách ra riêng. Cũng không sao, Từ xưa Tổng Hợp vẫn là cánh chim đầu đàn, là ngôi nhà chung cho các bạn cựu học sinh Ban Mê mà.

     Cao hơn cấp Trung Học có hai trường Sư Phạm bổ túc và Trường Sư Phạm Cao Nguyên. Mình biết hai trường này nhiều vì ba bạn Trung Hưng lớp mình làm Hiệu Trưởng ở đây, sau này ba bạn Trung Hưng chuyển đi , ba bạn Thúy Ngọc chuyển đến thay và Ngọc cũng vào học lớp mình. Học ở đây thì mấy anh chị được gọi là Giáo Sinh và khi ra trường dạy cấp 1. Nhà Ngọc ở ngay trong trường Sư Phạm bổ túc, trước mặt nhà là phi trường L19 cũ. Có giờ nghĩ tụi mình kéo nhau về nhà Ngọc chơi hoặc học bài. Sáng đi học đi ngang rủ Ngọc cùng đi, khổ nhất là đi lối này tụi mình phải qua trường  Nữ tiểu học Bà Triệu rồi mới đến Trường Tổng Hợp. Ngày thường thì không sao chứ sáng thứ hai, lỡ mà dậy hơi trễ. Cứ đến trường Bà Triệu thì còi hụ đến giờ chào cờ, trong trường các em học sinh chào cờ, phía ngoài đường mọi người đều đứng lại, tụi mình cũng không dám đi tiếp dù chỉ băng qua phía bên kia đường là tới Trường. Chào cờ xong, chạy bay qua trường thì ông cai  từ từ đóng cổng, vừa khóc vừa năn nỉ  bác mới mở cửa cho vào. Vậy mà cũng cứ trễ hoài, đúng là  lề mề.

     Trường Sư Phạm bổ túc giờ là trường Sư Phạm Mẫu giáo, Trường Sư Phạm Cao Nguyên bây giờ là trường Đại học Tây Nguyên. Đây là những ngôi trường lớn, có tiếng trong khu vực Tây nguyên. Nhớ lại những ngôi trường cũ kỹ nhỏ bé ngày xưa. Nhưng đó cũng là nền tảng giáo dục miền núi đầu tiên, để lớp trẻ nối tiếp nhau học hành. Đến trường là nguyện vọng chung của bao lớp người. Từ những ngôi trường này, các thế hệ học sinh lớn lên, vào đời, phục vụ và mơ ước xây dựng một cao nguyên tràn sức sống cho tương lai.

Lê Khuyên

(*) Hồi đó, lớp Nhất là lớp 5 (tiểu học, cuối cấp 1), lớp Đệ Thất, Lục, Ngũ, Tứ, Tam, Nhị, Nhất ( trung học) là lớp 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 bây giờ

1 nhận xét:

L.M.H nói...

Bai viet rat la hay va ke het tat ca ten cua truong o Bame,
Nhung noi qua it ve truong Bo De, minh hoc o Bo De nam 1968-1971, Hung Duc 1972.
Rat cam on ban va rat nho Bame.
L.M.H