Buổi họp đầu năm 2024 của Trunghocbmt68-75 tại BMT dự kiến vào ngày Chủ Nhật, 18 tháng Hai năm 2024, nhằm ngày mồng 9 tháng Giêng Giáp Thìn

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

NHƯ MỘT ĐÓA HOA HỒNG


  BẠCH YẾN (12A1)
                                                                                                         Tháng 8 này nhóm lớp mình có đến  viếng và đưa tiễn cụ bà mẹ của bạn Tam đã qua đời, sau đó bọn mình cũng đến thăm mẹ của bạn Nhành, cũng 90 tuổi,bà bị biến chứng của bệnh tiểu đường phải cấp cứu ở Bệnh viện Tỉnh. Hai vợ chồng bạn Nhành thay nhau túc trực ở bệnh viện để chăm sóc mẹ.Ở cái tuổi trên dưới 60 như bọn mình, tuổi về hưu, nghỉ ngơi và cần có người chăm sóc, thì nhiều bạn rất vất vả để chăm sóc mẹ cha đã già, lo cho con cái, nuôi cháu nhỏ.
Như bạn Tâm con trai trưởng, phải rời Sài Gòn về lại quê để chăm sóc mẹ già nay yếu mai đau. Bạn Kiêm lớp mình, bệnh khớp tái phát còn phải chăm sóc mẹ, mắt bà mờ dần rồi mù hẳn, Kiêm như cánh tay của bà, dù sức khỏe bạn cũng không tốt lắm. Mẹ bạn An qua một lần té không còn đi lại được, bà nằm một chỗ phải có người chăm sóc, đã vậy bạn còn kiêm thêm việc chăm hai đứa cháu ngoại sinh đôi. Ngày của bạn phải lên lịch, giờ nào mẹ uống thuốc, giờ nào cháu tắm, giờ nào uống sữa. Ba của bạn Thu Liên bị ung thư, bạn vất vả theo ba từ bệnh viện Tỉnh đến bệnh viện Thành Phố. Các cụ đều tuổi đã 90, và sức khỏe thì cứ lắt lay như ngọn đèn trước gió…
     Mình viết bài này vào đúng dịp lễ Vu Lan báo hiếu, giá bây giờ mình có được những đóa hồng đẹp nhất, mình sẽ tặng ngay cho các bạn. Cám ơn các bạn đã làm thật tốt từ vai trò của mình trong gia đình, đóng góp thêm sự yên bình cho xã hội. Thế hệ tụi mình không có những anh tài kiệt xuất, nhưng có những người vợ hiền thục, những người mẹ đảm đang, những người con chí hiếu, cũng đáng quý ngang với những anh tài.
                Mùa họp mặt năm nay đã đến, bọn mình chia nhau gọi điện đến các bạn. Biết những hoàn cảnh, thay vì rủ các bạn đến họp lớp, tụi mình bảo thôi bạn ở nhà đi cho mình yên tâm. Bạn Tâm qua điện thoại còn nhắn nhủ: mình không đi được nhưng các bạn dù ít cũng cố gắng duy trì nhé…Trên tinh thần đó tụi mình bảo nhau có bao nhiêu người cũng vẫn làm. Ngày hẹn nhau đã gần đến mình biết thêm bạn Thuyền bị tai nạn nhẹ thôi nhưng cũng gãy xương bàn chân không lên Ban Mê Thuột được. Bạn Tám phải chuyển nhà mới, bạn Thùy Nga đi xây nhà rồi làm tân gia cho con gái. Bạn Nguyễn Văn Việt huyết áp lên cao quá, còn bạn Ngọc Quang vốn rất nhiệt tình mà gọi hoài không thấy bắt máy. Mãi sau mới biết bạn  mệt tim phải cấp cứu và chuyển về Thành Phố. Hiện bạn đang điều trị ở Viện Tim Mạch Thành phố Hồ Chí Minh. Qua điện thoại mình hỏi khi nào bạn về, bạn còn đùa: khi nào Bác Sĩ từ chối thì mình về. Ôi những trái tim rất dũng cảm nhưng lại quá đổi mong manh.
                  Ngày 18 tháng 8, buổi sáng mình lên đường đến nhà Phạm công Minh lớp trưởng của mình, chở theo sau lớp phó Ngô thị Bình. Dọc đường nghe điện thoại của Phạm thị Thanh réo sao hai đứa lâu thế. Nhưng tụi mình cứ tà tà vừa chạy xe vừa ngắm rừng cây hai bên đường, lâu mới có dịp được thảnh thơi trò chuyện, hít thở không khí trong lành, bỏ lại phố xá phiền não phía sau lưng.
      Dù đã đến nhà Minh nhiều lần rồi  nhưng mình vẫn hay chạy lộn đường, vì các ngã rẽ ở đây khá giống nhau. Lần này thì chắc chắn không lộn được, vừa rẽ vào ngõ mình đã nghe mùi thơm của thịt bò nướng bốc lên. Bạn Quách Nhưn đang nướng thịt bò cuốn lá lốt, bạn Nhân đang trổ tài làm món cá lóc hấp, bạn Công Minh đang sắp xếp bàn ghế. Ưu tiên cho nhóm nữ hôm nay được nghỉ ngơi, uống nước ăn kẹo và làm dáng để chụp hình. Các bạn thấy mấy ông lớp mình galant ghê chưa. Bạn Thanh mở trang 68-75 cho các bạn cùng xem, rồi chat với Bích Tuyền và bạn Quang Kế.  Các bạn ở xa cũng canh giờ gọi điện về như Trung Hưng, Quang Hưng, Võ Thuyền.  Ai cũng hỏi thăm vui không và động viên tụi mình làm không khí cảm động lắm. Tiện đây mình xin cảm ơn bạn Nhân, bà xã của Công Minh và các cháu đã nhiệt tình lo về ẩm thực, bàn ghế và nhiều việc linh tinh giúp cho ngày họp mặt được vui vẻ và đầy đủ.
                   Quý nhất là ba bạn vượt đường xá xa xôi về,  Nguyễn văn Hùng và Công Thảo ở Bình Phước, Kim Thủy ở Sài Gòn. Tụi mình chỉ khoảng gần hai mươi bạn thôi nhưng không khí ấm cúng và vui lắm. Giống như những lần gặp trước, cũng vẫn là nhắc lại những chuyện cũ ngày xưa, mà ngày xưa cũng lắm chuyện thật, kể hoài không hết, lần nào cũng có chuyện bây giờ mới kể. Hoàng Anh nhớ lại một lá thơ bắn bằng dây thun bay vào nhà bạn, mở ra có hai câu :
                    “   Chiều hôm qua lang thang trên đường….. Lý Thường Kiệt….
                       Biết nhà rồi nhé….”
             Và tra hỏi: Thảo, hồi xưa có phải ông viết lá thơ đó phải không. Công Thảo lần đầu thú nhận : không phải mình tui, mấy đứa cùng viết làm cả nhóm cười vang. Bạn Thanh đem theo một ché rượu cần, (chỉ để làm cảnh chụp hình cho oai chứ tụi mình không dám uống đâu) Quách Nhưn thì bê cả hũ rượu dâu tằm lâu năm cho mỗi bạn một ít đem về trị chứng nhức mỏi. Ăn uống và trò chuyện đến hai giờ trưa dù trời nắng gắt các bạn cũng hồ hởi kéo nhau qua Hồ Trung Tâm thăm lại chiến trường xưa.Vào mùa mưa nước dâng cao, quang cảnh hồ mênh mông trông khá là thơ mộng , tranh thủ chụp mấy tấm hình rồi ghé vào rẫy nhỏ em của mình cũng ở gần đó.  Tham quan một vòng các bạn đề nghị năm sau sẽ họp mặt ở đây để thay đổi không khí mùa hè. Vậy mình có lời mời các bạn trước nhé, khung cảnh ở đây  cũng non nước hữu tình, một bên là hồ , một bên giáp với rừng cao su. Trong rẫy có ổi có chôm chôm và dâu nữa, nhưng phải vào đúng mùa trái còn không thì chỉ thấy lá ơi là lá. Có bạn bảo làm sơm sớm đi chờ năm sau lâu lắm, bàn tính tới lui đã 4 giờ phải chia tay nhau, mãi vui quên yêu cầu Kim Thủy hát. Lần họp mặt đầu gặp lại bạn  sau bao nhiêu năm nghe  Kim Thủy hát  Khúc Thụy Du rất hay, và mình nhớ mãi câu này :
                         … Chỉ cách một mặt hồ
                            Mà muôn trùng chia xa…  
            Đừng chia xa, các bạn nhé….
                                                                                                                  














Không có nhận xét nào: