Buổi họp đầu năm 2024 của Trunghocbmt68-75 tại BMT dự kiến vào ngày Chủ Nhật, 18 tháng Hai năm 2024, nhằm ngày mồng 9 tháng Giêng Giáp Thìn

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Để Gió Cuốn Đi

  Bão Biển 

  
Sáng sớm, chị em tôi thong thả trên đường đến trường, vạt áo dài xanh bay quấn quít theo mỗi bước chân. Bên lề đường, mặt cỏ còn ướt sương đêm, những cọng cỏ xanh mướt đọng hạt sương tí xíu rung rinh lấp lánh như quyến luyến sao không dừng lại trong giây lát để ngắm chúng tôi, mặt cỏ lấm tấm sương như đi theo, như tiễn chân hai chị em tôi mỗi bước mỗi bước…


Không biết sao tôi có tính hay đi học thật sớm, nếu thấy trường khá đông học sinh thì dù chưa trễ tôi cũng có cảm tưởng mình phạm tội, lấm lét bước vào lớp mà không dám nhìn ai. Chỉ tội nghiệp chị Phúc hay bệnh ban đêm, đêm nào thấy không khỏe thì chị đi xe Jeep của cha, còn tôi vẫn một mình đi sớm, lật đật hối hả đi như bị ma đuổi. 

Chị Phúc gọi giật, nè Biển! Tôi giật mình, gì Phúc? Thư tao đưa mày hôm qua đó, tính sao? Tính sao là sao Phúc? Có trả lời cho người ta không? Trả lời gì đâu, chưa đâu Phúc ơi, mà chắc…không! Tôi cười hì hì, cười cười thế nhưng thật ra tôi không biết tôi nghĩ gì nữa đây? 

Hôm qua trong giờ Văn, chị Phúc từ bàn sau chuyền lên cho tôi quyển sách, tôi ngạc nhiên vì sách đó là môn học giờ sau… Nhưng lật ra thì thấy có lá thư được xếp gọn trong đó, đề chữ: của mày nè Biển!

Tôi tò mò lén mở ngay khi đó, thì ra thư của anh chàng lớp lớn hơn viết thư làm quen… 

Với chị Phúc, tôi thường nhìn chị bằng cặp mắt ngưỡng mộ. Có gì đâu? Cái gì chị cũng giỏi hơn tôi hết. Học toán giỏi, vẽ giỏi, làm thơ số một trong khi tôi không hề biết làm thơ. Môn Văn thì khỏi nói, tôi không thể nào ngoi lên qua chị được, chị luôn luôn đứng nhất, còn tôi lẹt đẹt xếp hạng ngay sau lưng chị. 

Chị đọc sách Triết thì khỏi chê, chị nghiền ngẫm những cuốn sách do chị Hai tôi truyền lại. Chị Hai thường ra tiệm, mua những thứ sách gì mà bản thân tôi chỉ biết đứng xa xa ngó, vì đọc cũng có hiểu gì đâu? Những cái tựa thôi cũng đủ thấy khó hiểu, nào là “Buồn nôn” của Jean Paul Sartre, rồi “Thời gian chết,” của ai tôi không nhớ, “Ngàn cánh hạc” của Yasunari Kawabata… Tôi tự hỏi tại sao lại “Buồn nôn? Cuộc đời lúc vui lúc buồn, sao lại phải buồn nôn? Rồi, sao lại “Thời gian chết” Người đó không biết phải làm gì với thời gian ư? Lúc ấy tôi thật hiền lành và bình thường nữa, tôi chỉ đứng xa, ngắm xem những thói quen giải trí, sở thích của các chị mình mà tự hỏi?

Chị Hai tôi học đại học ở Đà Lạt, trời lạnh, các bạn chị hút thuốc lá, chị cũng hút theo, về nhà thỉnh thoảng chị lại lén cha mẹ gắn điếu thuốc trên môi, và chị Phúc tôi cũng bắt chước… Tôi thấy hay hay, một buổi chiều khi cha mẹ tôi đi đâu hết, ra trước nhà, ngồi trên gốc cây to được cha tôi cho cắt ngang thân làm ghế ngồi. Tôi cũng gắn điếu thuốc lên môi, bật diêm lên… Chưa kịp thấy thấy ngon ra làm sao, tôi phát ho sặc sụa, tôi lại thấy tôi sao thật tầm thường? 

Thế là sự nghiệp “hay hay” của tôi chấm dứt từ đó. Và từ đó, tôi chỉ đứng xa xa ngắm các chị mình bằng cặp mắt ngưỡng mộ. Thấy các chị nghiền ngẫm đọc những quyển sách Triết đó, tôi cũng cố gắng đọc theo để xem trong đó có hay không? Trong đó nói gì mà các chị say mê đến thế? Và như thế, mặc dù tôi không hiểu hết được, vì lúc đó chúng tôi chỉ mới mười lăm, mười sáu thôi, nhưng tôi cũng hiểu một điều là trong đó nói toàn mặt trái của cuộc đời, vạch trần hết những xấu xa nhất của xã hội mà lại không dạy được điều tốt lành nào hết. Lúc đó theo tôi, xã hội hay bất cứ thứ gì cũng có điều tốt và điều xấu… Cho nên tôi bỏ ngang không đọc nữa, bây giờ tôi mới biết đó là điều may mắn cho mình, dù tôi là người thật nhỏ bé trong sự hiểu biết, và thật bình thường, tầm thường nhất nhà, và có thể thật tầm thường so với thế giới biết bao người ngoài kia nữa... 

Bây giờ, tôi thật sự hiểu những triết lý của cuộc đời đó đã giết chết tuổi thanh xuân của các chị tôi! Tôi thật tiếc, phải chi lúc đó chúng tôi biết đến quyển Kinh Thánh thì đã tốt biết bao cho các chị tôi rồi… Phải chi chị Hai và chị Phúc tôi chạm được tới quyển Kinh Thánh thì nay đã khác biết bao nhiêu?

Do chị Phúc đọc sách Triết nhiều quá, nên chị cũng lây luôn những tư tưởng bi quan đó, nó ngấm sâu trong da thịt, trong máu, trong tư tưởng chị, nhìn đâu đâu trong cuộc sống chị cũng thấy toàn điều xấu. Chị viết văn nghị luận rất hay, nhưng những bài văn nghị luận cho đề sẵn, chị không làm theo mà nói đâu đâu, nói y như sách Triết, viết ra toàn điều những xấu xa, tiêu cực trong cuộc đời, nên những bài đó chị thường bị zero điểm! Chị buồn lắm, chị nói Tao nói không đúng sao? Phúc nói đúng, nhưng Phúc không làm theo chủ đề nên thầy phải cho zero chứ sao? Tôi nói an ủi chị, nhưng tôi biết chị Phúc vẫn buồn lắm…

Tôi đâm ra ghét cay ghét đắng mấy cuốn sách Triết, vì nó làm ảnh hưởng hết cả con người chị, văn, thơ, nhạc, vẽ, nó ảnh hưởng luôn tới cách chị ngủ. Chị mặc áo dài sẵn, mang luôn giày, nằm ngay đơ trên giường để sáng mai đi học. Tôi kêu lên Phúc nằm gì ghê vậy Phúc? Chị Phúc yêu dấu của tôi chỉ cười hì hì, vì biết tôi thương chị. Tôi lúc ấy mười bảy tuổi, mười bảy bẻ gãy sừng trâu. Tôi khỏe mạnh, khỏe mạnh từ thể xác, khỏe mạnh ngay trong tư tưởng (ngay cả không bao giờ coi những phim cấm trẻ em dưới mười tám tuổi), những điều gì buồn quá làm cho tôi linh cảm điều gì đó không hay có thể xảy ra là tôi lập tức bỏ ngay, và tôi cũng âm thầm sợ cho chị Phúc nếu cứ theo “chủ đề” Triết đó. Tôi cũng không quá nghịch ngợm như cô em tôi, nghịch ngợm đến nỗi nhiều lần nhát sâu rợm làm tôi sợ điếng người, mất hết hồn vía. Tôi luôn luôn biết rõ một điều là tôi là người rất bình thường thôi… 

Tôi thương chị Phúc lắm, nói đúng là tôi thương hết cả những anh chị em tôi. Người ngoài mà còn thương được nữa huống chi là anh chị em, phải không? Học bài làm bài vào buổi chiều rồi nên chị Phúc thường thức khuya để vẽ, hay viết văn, làm thơ bởi chị cũng thường bệnh, khó ngủ. Tôi rất sợ thức khuya nhưng cũng cố gắng thức theo chị Phúc, vì tôi thương chị, và âm thầm lo cho chị nữa. Tự nhiên không biết sao tôi vẫn có cảm giác bất ổn về chị. Có hôm tôi chiên cơm với cà chua (ngon lắm à nha), với trứng để thức với chị cho có việc làm. Hôm sau tôi tập làm bánh bắp, bánh bơ… Làm gì mời chị, chị cũng gật gù Mày làm ngon quá Biển…! Tôi cũng ăn, không thấy ngon gì hết, Phúc xạo quá Phúc ơi, nhưng biết chị nói thế vì thương tôi. Tôi tin rằng khi mình thương ai thì ăn những món do người đó nấu có dở cũng thấy ngon, đúng không? Vì tình thương yêu người đó trong lòng mình thôi… 

Trưa Chúa Nhật, chị Phúc lại mệt, uống thuốc xong chị nôn thốc nôn tháo ra. Tôi đỡ chị nằm lên giường, xong lo dọn mớ chị đã nôn ra, lau chùi sạch sẽ… Chị Phúc chăm chú nhìn, đột nhiên hỏi Biển, mày thương tao lắm hả? Gì Phúc, nói gì lạ vậy, chị em thương nhau chớ sao…?

Chiều thứ Hai hôm sau, xe lên đón chị em tôi. Chị nói cộc lốc Tao theo xe về, tôi hơi thấy lạ, nhưng tưởng chị mệt chị nên không hỏi gì… Thế là tôi đi bộ theo bạn mà lòng cứ thắc mắc. Về nhà, chị lại nói ngắn ngủn mai tao nghỉ học, Phúc mệt hả? Mày đừng hỏi nữa có được không? Thế là tối hôm đó, chị không mặc áo dài đi ngủ nữa… Có chuyện gì bất thường trong lớp chị chăng? Tôi không biết nữa, lên lớp 10 tôi và chị đã học riêng khi chia ban. Tôi biết tôi không thông minh, chỉ siêng học bài nên chọn ban A, Phúc giỏi Toán theo ban B. Tôi phải hỏi dò mấy người bạn trong lớp chị, mà thôi, chắc Phúc mệt nên dở dở ương ương. Mấy người bệnh hay khó chịu đó, rồi mai cũng hết. Ngày mai, tôi lại đi sớm, thong thả một mình đến trường, lại ngắm mặt cỏ còn ướt sương đêm, lại nhớ chị Phúc tôi biết bao…

Tôi hớn hở Phúc, Phúc đoán bài văn nghị luận Biển được bao nhiêu điểm? Chị Phúc không trả lời tôi mà lại nói dấm dẳng mai tao nghỉ học nữa. Hở? Chị nín thinh không nói. Có gì bất thường đây? Tôi hối hận không hỏi bạn trong lớp chị…

Chị Phúc không nghỉ một ngày, hai ngày, ba ngày, hay một tuần hai tuần, ba tuần… Mà chị lại nghỉ luôn một tháng! Cha mẹ tưởng chị bệnh, vì chị thường bệnh, phải nghỉ học thường xuyên. Tôi nghe kể lại chị bị thầy lớp Văn la rầy vì những bài văn chán đời đó, biết mà! Thế là thương Phúc, từ đó tôi mượn tập vở bạn chị, về nhà hý hoáy viết lại, ghi ghi chép chép đầy đủ. Bởi tôi biết, nếu tôi không chép lại thì chị cũng chẳng cần đâu, chị Phúc tôi…”Triết” mà! Từ đó, mỗi tối tôi lại ao ước thấy chị Phúc mặc áo dài vô, nhắm mắt nằm thẳng băng tới sáng chờ tôi kêu Phúc ơi, dậy đi học… Hôm kia, tôi rụt rè nói Phúc ơi, mặc áo dài vô ngủ đi sáng Biển kêu… Chị Phúc bật cười sao hồi đó mày chê nằm gì ghê quá? Tôi nói bừa hồi đó khác, giờ khác, mà nói thật nha, Biển đi học một mình buồn quá! Chiều hôm sau, hôm sau nữa, đi học về, chị Phúc đột ngột nói mai tao đi học! Tôi reo lên thiệt hả? Phúc vui vẻ thấy mày chép bài tội nghiệp quá!

Thế là sáng sớm hôm sau, chị em tôi lại thong thả đến trường, hai vạt áo dài xanh lại bay vờn mặt cỏ, mặt cỏ liếc dài theo như luyến tiếc, ganh tỵ… Mặt cỏ còn ướt sương đêm này tôi ngắm mỗi ngày có lạ gì đâu, mà nay tôi thấy sao đẹp quá, mặt cỏ vờn lung linh tôi nghe như có nhạc, nhạc trong lòng tôi chăng, lòng tôi sao vui như Tết… 

Chiều tối là cha hay chở mẹ tôi cùng bầy con đi dạo phố khi ông xong công việc lính tráng mỗi ngày. Chặng cuối sẽ là dừng lại tiệm cà rem Eskimo mua cho mỗi đứa một cây. Cà rem Eskimo đối với chúng tôi thời đó ngon biết bao, lương lính không nhiều, nên mỗi em chỉ được một cây thôi… Đối diện nhà chúng tôi khi đó là Ty Công Chánh thật lớn, có lá cờ bay phất phới trong gió. Khi về đến ngang nhà rồi, để an ủi bầy con, cha tôi thường chạy vòng quanh cột cờ nhiều lần mà cha gọi là “liễu,” ông vừa chạy vòng vòng vừa nói liễu nè, liễu nè… Bầy con tám đứa tha hồ té qua té lại xô lên nhau, cười ầm ỉ, má tôi cũng cười, đánh đánh tay cha tôi, nói ông này ông này…! 

Chiều hôm sau, chị Phúc bàn với tôi ê Biển, chiều nay tao với mày đi riêng, mỗi đứa mua nhiều ăn mới đã nghe, tôi nghe thì đồng ý liền bởi tôi cũng yêu cà rem Eskimo lắm. Ngay sau đó, cha về, chị Phúc lên tiếng trước chiều nay tụi con nhiều bài vở quá nên ở nhà nha cha! Khi cha mẹ tôi cùng lũ nhóc lên xe đi rồi thì tôi đèo chị Phúc lọc cọc lên đường ngay, trực chỉ tiệm cà rem Eskimo mà chúng tôi đã quá quen. Hai chị em mua mỗi đứa mười cây (ăn cho đã). May quá, không thấy xe ba tôi. Về nhà mở ra ngay, nhưng ăn được chừng ba cây, chị Phúc bắt đầu thấy lạnh, chị nói mày ăn hết đi Biển, lạnh quá! Chị Phúc nằm đắp mền rên hừ hừ… Còn lại tôi, mười bảy bẽ gãy sừng trâu, tôi khỏe mạnh nên ăn luôn hết mười bảy cây cà rem Eskimo lạnh như mùa đông Ban Mê Thuột, lạnh như mùa đông Eskimo mà không thấy lạnh gì hết, chỉ thấy ngon quá thôi, và thật tiếc cho chị Phúc.

Sáng sớm thứ Bảy, thình lình cha nói hôm nay cha có buổi họp ở Đà Lạt, đứa nào đi theo chơi không? Đi trực thăng L19. Chị Phúc lên tiếng liền con đi nha cha? Cha tôi cười hiền lành được chứ, đứa nữa? Con Hạ vọt miệng con? Rồi, hai đứa thay đồ theo cha ra phi trường! 

Tự nhiên, chị Phúc ỉu xìu thôi, con không đi nữa, Biển, mày đi đi… Cha tôi cũng ngạc nhiên vì trước đó thấy chị hăng hái lắm. Nhưng ông không còn thì giờ để hỏi han, sau đó tôi biết cha tôi chỉ biết được buổi họp chỉ vài tiếng trước. Còn chị Phúc, tôi biết là chất “Triết” lại nổi lên trong chị rồi nên cũng không hỏi lại chị vì cũng không còn thời gian nữa, theo “lịnh” cha, phải thay đồ liền.

Chiếc trực thăng nhỏ như chiếc ghế bố, lượn tròn rời Ban Mê Thuột và đáp ngay xuống bờ hồ Xuân Hương. Xe Jeep ra đón, có cả chị Hai và anh Ba tôi đang học đại học ở đó cũng có mặt đón chúng tôi rồi cùng lên xe. 

Trong khi cha đi họp, chúng tôi cùng chị Hai anh Ba đi vòng vòng ngắm thành phố Đà Lạt. Chả trách người ta gọi là “thành phố sương mù,” giờ đó cũng hơn 9 giờ rồi, mà rừng thông vẫn bàng bạc sương mù, sương mù giăng rộng khắp núi đồi Đà Lạt, giăng rộng khắp rừng thông, bàng bạt như lớp bông gòn mỏng, trôi trôi trên ngọn thông, trôi trôi trên ngọn cỏ…

Đi vòng vòng, ngắm trường đại học, ăn tại chợ Đà Lạt hôm đó tôi nhớ thật vui, tôi với con Hạ cười nói luôn miệng, tôi lại nhớ chị Phúc tôi, và ước ao có chị…

Chiều, chiếc trực thăng lại đáp xuống bờ hồ Xuân Hương, lần nữa bay ngược về Ban Mê Thuột, trả cha con tôi về lại nhà…

Vô nhà, điều đầu tiên đập vô mắt tôi là chị Phúc nằm trên chiếc bàn dài kế phòng khách. Tôi gọi nhỏ, Phúc! Nhưng Phúc vẫn im lặng. Tôi biết không nên làm rộn chị nữa, nên lặng lẽ ra nhà sau…

Những tư tưởng bi quan từ sách Triết trong chị còn thể hiện qua tranh chị vẽ. Một hôm, tôi thấy chị hý hoáy sơn sơn cọ cọ vẽ gì… Sau đó chị gọi tôi và giơ bức tranh lên Biển, đẹp không nè? Tôi nhìn vô là rụng rời, đó là hình ông tử thần mặc áo choàng đen kín mít, đội mũ đen nhọn trùm kín mặt chỉ chừa hai mắt trắng dã, ló hai bàn tay xương xẩu, vai vác lưỡi hái dài ông tử thần mà đẹp gì Phúc ơi, muốn khóc thì có… Phúc vẽ theo đâu vậy? Chị Phúc cười hì hì tao vẽ theo cuốn tự điển Pháp, thấy đẹp! Từ tư tưởng trong sách Triết đó cũng ảnh hưởng luôn tới thơ chị làm, những câu thơ sao buồn quá… Chị viết:

Có con bướm lạ,
Vừa chết sáng nay
Người qua kẻ lại
Cũng chẳng ai hay

Ngày tháng trôi qua qua qua thật nhanh. Buổi tối thứ Bảy, chị Phúc đàn ghi ta và hát “Chủ Nhật Buồn,” Chủ Nhật buồn đi lê thê, Phúc hát bài đó buồn quá… Tự nhiên mấy hôm nay thích bài này. 

Ngày tháng lại trôi qua qua qua nhanh nhanh… Tối thứ Bảy đó, chị Phúc nói hôm nào cắt tóc giùm tao đi Biển, tóc dài quá… Ờ, mai Chúa Nhật Biển cắt cho. 

Tối ngủ chung với chị Phúc, nửa đêm tôi thức giấc nhiều lần vì thấy mẹ cho chị Phúc uống thuốc, chị bị lên cơn suyễn nhiều… Tôi thầm nghĩ sao chị em mà mình khỏe quá, còn Phúc bệnh triền miên, ước gì mình có thể chia một nửa căn bệnh với Phúc nhỉ? Nghĩ như vậy rồi tôi lại ngủ đi. 

Sáng Chúa Nhật hôm sau, toàn tỉnh phát động phong trào “Đào hào chống chiến xa.” Công chức, giáo viên, và học sinh toàn tỉnh phải đi đào hào. Nhà trường kêu gọi học sinh đi trong tinh thần đi picnic. Tôi biết chị Phúc đêm qua bệnh nhiều nên không gọi chị, chỉ lặng lẽ đi…

Chiều tôi về thì cái dù đã giăng rộng ra khắp cả sân nhà… 

Chị Phúc yêu dấu của tôi đã ra đi rồi, mãi mãi ra đi. Tôi vuốt ve tóc chị, tôi khóc Phúc ơi Biển còn chưa cắt tóc cho Phúc mà…

Sau được nghe kể lại, thấy chị Phúc nằm im ru nghiêng một bên, nằm đó mà chị em trong nhà qua lại tưởng chị ngủ, không biết chị đã ra đi, vì mẹ dặn tối chị bệnh nhiều nên để yên cho ngủ. Sao giống mấy câu thơ chị đã viết quá, lại Chúa Nhật, một Chúa Nhật buồn… “Chủ Nhật buồn, đi lê thê…” 

Ngay tận bây giờ, tôi vẫn thấy tiếc quá, giá mà bàn tay các chị tôi chạm được tới quyển Kinh Thánh sớm hơn thì đã khác nhiều biết bao rồi, các chị yêu dấu của tôi đã có được tuổi thanh xuân xanh thơ mộng lắm rồi… 

Bão Biển

Không có nhận xét nào: