Buổi họp đầu năm 2024 của Trunghocbmt68-75 tại BMT dự kiến vào ngày Chủ Nhật, 18 tháng Hai năm 2024, nhằm ngày mồng 9 tháng Giêng Giáp Thìn

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2009

TRỞ LAI BAN ME_TRẦN CHÂU

Trở lại Banme_______________________________Trần châu
Trở lại Banmê một sáng sớm mai hồng
Rừng chưa thay lá, rừng có nhớ ta chăng…
…Trở lại Banmê phượng vĩ vẫy tay chào
Dù cho mưa bão Hạ vẫn trắng như xưa…
nhạc Nguyễn-Quyết-Thắng

Trần Châu và hai con cưỡi voi ở buôn Đôn
Thường thì những lời thơ hay ý nhạc dù ít hay nhiều đều mang âm hưởng của một chút lãng mạng, của một chút mộng mơ vì đó là những chất liệu không thể thiếu trong thế giới của thơ ca. Nhưng thực tế ngoài đời thì không phải lúc nào cũng đều như thế.


Sau mười mấy năm xa cách lần đầu tiên tôi trở lại Banmê và đó không phải là một buổi sáng tràn ngập ánh mai hồng với những hàng phượng vĩ rực rỡ khoe sắc thắm như đang hân hoan đón chào người đi xa vừa trở lại, tôi trở về đây vào một đêm mùng 2 Tết tối trời dưới cơn mưa tầm tả, từng đợt mưa tạt mạnh vào cửa kính xe như đang trút xuống trần gian những cơn giận hờn đầy oán trách của một người ở lại đến một người thân thương đã bỏ đi biền biệt đến nay mới quay gót trở về. Từ cầu 14 xe chạy qua Đoàn-Kết đến Duy-Hoà rồi tới Đài phát thanh, qua ngã ba Chi-lăng, trường đại học Tây-Nguyên và từ đây xe bắt đầu chạy chậm dần vì đường sá đã trở nên đông đúc hơn.

Cờ ( là tên mà chúng tôi thường dùng để gọi Huỳnh-Thế-Tịnh ) vẫn đang chăm chú lái xe còn Nguyễn-Đình-Hoà thì đang nhắc tên những nơi chốn mà xe vừa mới chạy qua:“…đây là đường vào buôn Alê A, đây là trường Lasan, đây là cổng số 1, đây là nhà thờ Tin lành nơi Ba của Lê-Thượng- Chí làm Mục sư, đây là ty Ngân khố bên hông có đường đi xuống Piscine, bên này là biệt điện Bảo-Đại, còn phía bên kia là Toà Hành chánh Tỉnh…” Qua lời hướng dẫn của Hoà bằng một loạt những địa danh mà nếu với những ai không phải là người bản địa thì chắc chắn nó sẽ chẳng có giá trị gì ngoài ý nghĩa của những tên gọi như bao tên gọi khác, nhưng đối với chúng tôi những người Banmê, tôi muốn nói đến những người Bamê cũ thì ngoài ý nghĩa đó nó còn có một giá trị vô cùng tuyệt đối khác, nó giống như những cái “Link” trong World Wide Web (www) mà ta chỉ cần “click” nhẹ vào đó tức khắc nó sẽ dẫn dắt chúng ta trở về một miền ký ức đầy kỷ niệm mà chúng ta đã một thời từng sống và hạnh phúc với, bất kỳ trong hoàn cảnh nào những cái tên gọi đó mãi mãi tồn tại với chúng tôi và mỗi lần ai đó có dịp được nhắc, nhớ tới thì chắc chắn sẽ không thể không có những rung động rất kỳ lạ ở trong lòng…..Mười lăm năm, một khoảng thời gian đủ lâu, đủ để ấp ủ những nhớ nhung và giờ đây trong tôi tất cả những dồn nén của một nỗi nhớ Banmê ấy như đang chực dâng trào. Với tất cả sự náo nức tôi nhoài người đến gần cửa xe, chăm chú quan sát từng cảnh vật trước mắt để cố chắp nối lại những hình ảnh hiện tại nơi đây với những khúc phim thuộc về quá khứ tuy đã đứt đoạn nhưng nó luôn lưu giữ trong ký ức của tôi suốt một thời. Từ lúc còn là một thằng bé con, trong những trưa hè oi ả với chỉ chiếc quần “ xà lỏn ” đầu đội nắng, chân đạp đất đi như chạy trên con đường này mà chúng tôi thường gọi là đường Toà án, để mong sớm đến Piscine, một hồ bơi được xây dựng từ thời Bảo-Đại, hối hả bước dưới những tàng cây hoa Phượng đỏ, tôi đi qua Toà án, tới Bưu điện…băng vội qua đường, vượt qua Toà Hành chánh Tỉnh quẹo xuống con đường bên hông Ty Ngân khố…thế là đã bắt đầu bước vào khu vực Trần-Hưng-Đạo, thường thì lần nào cũng vậy khi đến đây, tâm trạng của chúng tôi những thằng nhóc đã từng đi tắm Piscine hồ ông Tỉnh ( tên của người quản lý hồ bơi ) luôn luôn giống nhau là rất bồn chồn và hồi hộp. Bồn chồn bởi vì sắp tới hồ bơi, sắp được bờ- lông-nhông và tha hồ lặn ngụp dưới dòng nước mát cho thoả thích. Cho dù có say mê cái hồ bơi ông Tỉnh này đến cỡ nào tôi cũng không dám dùng từ dòng nước trong mát ở đây vì sợ Chúa phạt về tội nói dối, nước ở đây chỉ mát chứ không trong, nước vẩn đục quanh năm nhất là vào mùa mưa, vậy mà điều đó chẳng cản trở được một li ông cụ nào về lòng say mê mãnh liệt của đám con nít chúng tôi đối với cái hồ bơi duy nhất của thị trấn này. Còn hồi hộp là vì nếu hôm nay chẳng may gặp phải anh Hồng-méo* một hung thần của bọn con nít, thường đón đường chúng tôi ở khu vực Trần-Hưng-Đạo này để thu tiền mãi lộ, thì chắc chắn là tiêu nguyên tán đường…phèn ( có thằng nào mà không sợ anh Hồng-méo... chết liền á ) bởi vì gặp anh là lành ít dữ nhiều, anh vốn sinh ra không phải để mang nụ cười đến cho mấy thằng nhóc chúng tôi, trong những câu chuyện truyền miệng chúng tôi được biết rằng có nhiều đứa khi gặp anh đã phải bỏ của chạy lấy người, đó là lý do vì sao khi đi bơi ở đây tôi thường chỉ mặc mỗi cái quần xà lỏn lon ton, không dép, không mủ để nếu có phải bỏ của chạy lấy người thì tôi không có gì phải mất ngoài cái…quần xà lỏn ấy mà thôi !!! Dĩ nhiên là phải nhớ mang theo 2 đồng cắc, giấu kỹ trong lưng quần, 1 đồng đưa ông Tỉnh để xuống hồ, còn 1 đồng sau khi tắm xong, mua miếng kẹo đậu phụng ngào đường có hình tam giác của bà lão bán dạo trước cổng, vừa đi vừa nhai cho nó đỡ run, đỡ tê tái cõi lòng vì đói và lạnh ( do vận động nhiều nên sau khi bơi rất đói bụng ). Cho đến bây giờ sau khi đã trải qua một chặng đường dài với những thăng trầm của cuộc đời tôi mới cảm nhận được rằng, chính trong lúc nhai miếng kẹo đậu phụng cứng ngắt với đôi hàm răng lập-cập do đánh-bò-cạp ấy là lúc tôi đang ngấu nghiến một thứ hạnh phúc ngọt ngào nhất trong đời của mình mà tôi có thể có được. Nếu ai đó muốn làm khó, hỏi tôi: “ Thế sau khi bỏ của…mầy dám lông bông đeo nguyên con kỳ nhông như vậy mà chạy về nhà à??? ” Tôi sẽ cười rất hồn nhiên mà trả lời rằng :“Ối dào! Đó chỉ là ba cái chuyện nhỏ, bình thường khi tắm mưa ở nhà cũng cởi truồng như vậy thôi.” Thành-mèo một Đại ca ở xóm đường Quang-Trung của tôi đã từng lên mặt đàn anh huấn dụ rằng : “ Tắm mưa mà mặc quần là thuộc cái loại dân chơi nữa mùa.” Vì muốn là dân chơi nguyên một mùa nên tôi vẫn thường…và đôi khi còn dám rủ rê cả con nhỏ hàng xóm : “ Ê! Th.. mầy mặc quần tắm nhỡ sáng mai không kịp khô lấy quần đâu đi học...” được cái là cô láng giềng dzễ thương này tuy còn nhỏ nhưng rất thông minh nên thường hay làm theo những lời khuyên chí lý của tôi.
( * Câu chuyện về anh Hồng-méo kể ở trên không phải là hư cấu và tôi đã dùng đúng tên thật đi đôi với tên đệm của anh bằng tất cả lòng yêu mến của mình ngoài ra không có ý gì khác. Sau này khi học cùng lớp với Lê-văn- Nghi tôi mới biết anh là anh của Nghi. Năm 1980-1982 tôi gặp lại anh trong một cảnh ngộ khác, lúc đó tôi vừa bỏ nghề giáo viên ra chạy xe lam, anh thì lái xe ba gác, chúng tôi đậu xe chung một bến ở cây số 3, biết tôi là bạn học của Nghi ( lúc đó Nghi vừa định cư ở Úc ) nên anh và tôi rất thân nhau, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn ngồi ăn trưa trên chiếc xe ba gác của anh để cùng nhau ôn cố. Sau này khi ở xa tôi được tin anh đã qua đời vào độ tuổi chưa đến lúc phải ra đi. Bằng sự tiếc thương và lòng chân thành tôi luôn nguyện cầu cho anh được an bình nơi yên nghỉ ngàn đời. )
Lớn lên chút nữa đến cái tuổi vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn cũng chính trên con đường quen thuộc này tôi đã cùng người tôi yêu, thường hay cặp kè“..đưa nhau tìm động hoa vàng...nhớ thuơng.” Khu vực này có nhiều địa điểm mà giới trẻ vừa bước vào tuổi mới lớn, tuổi của mộng mơ rất thích tìm đến để hẹn hò như: khu công viên Tôn-Thất-Niệm, nhà văn hoá Thanh niên, Biệt điện Bảo-Đại…ở đây tuy không có động nhưng ghế đá và hoa vàng thì nhiều, để tha hồ mà ngồi hái những nhớ thương. Xe đã đến ngã 6, không khó lắm để tôi có thể nhận ra đường Hùng- Vương, con đường mà tôi và bạn bè suốt một thời niên thiếu vẫn cắp sách đến trường. Tôi còn nhớ như in, mỗi buổi sáng từ xóm Quang-Trung, trong bộ đồng phục màu xanh nhạt của Trường TH.THBMT tay ôm tập vở ( Dân chơi 4 mùa không bao giờ biết đến hai chữ cặp-táp là gì ) đi thẳng hướng nhà thờ băng qua bùng binh ngã 6, không quên nhìn để biết rạp cinê Thăng Long hôm nay chiếu phim gì.( Khác với trào lưu bấy giờ đang rất thịnh hành các loại phim kiếm hiệp và võ thuật của Hồng-Kông , Đài-Loan… rạp cinê này chỉ chiếu những phim của Anh Pháp Mỹ và hình như tôi chưa bao giờ bỏ sót: từ La piscine, Red Sun với các tài tử nổi tiếng Allen Delon, Charles Broson đến Romeo & Juliet, Love Story với Olivia Hussey, Ali MacGraw, từ Doctor Zhivago, Jane Eyre cho đến những phim hài hước của ông Cò Louis de Funè mà mỗi lần xem cười muốn bể bụng…)

Rạp LODO
Qua rạp Thăng Long một đoạn là tới Ty Công chánh, đoạn đường này
nằm dưới những tàng cây bông trắng, khi tới mùa hoa rụng những cánh hoa mong manh, bay bay trong gió phủ trắng khắp mặt đường và từ đây chúng ta có thể nhìn thấy ngôi trường thân yêu với những hàng cây muồng cao lớn bao bọc chung quanh, vào những ngày Xuân những bông hoa muồng quen thuộc ấy nở vàng rực cả một góc đường.
Chắc chắn cũng như các bạn con đường này đã để lại trong tôi muôn vàn kỷ niệm. Nơi đây, hình ảnh của những mái tóc thề xoã lửng ngang vai, những tà áo dài xanh thướt tha trong gió, những lá thư mực tím trao nhau vội vã , những cái nguýt mắt dữ như bà chằng…lửa, những trò chơi nghịch ngợm của một thời trẻ dại…tất cả những hình ảnh ấy, kỷ niệm ấy đã khắc sâu vào tâm thức, không thể nào quên.
Có một thời lang bạt tôi đã đi qua nhiều con đường, có những con đường rất đẹp và lảng mạn chạy giữa hai hàng cây Phong thẳng tắp phủ kín lá vàng rơi trong nắng Thu rực rỡ, có những con đường thật vắng lặng chạy quanh co trên sườn núi men theo cánh rừng thông trong một ngày Đông bạt ngàn tuyết phủ tạo nên một cảnh sắc tuyệt vời, nhưng chưa bao giờ có con đường nào có thể thay thế đươc con đường của một thời thơ dại ấy ở trong tôi. Nếu một hôm nào đó gặp tôi bạn hỏi lý do vì sao thế ? Thật sự tôi cũng không biết vì sao để trả lời cho câu hỏi ấy nhưng tôi có thể sẽ đọc cho bạn nghe bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị của thi sĩ Phạm-Thiên-Thư, một người có lẽ cũng đã từng có một con đường như thế trong thuở thiếu thời :

Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng cặp sách, vai nhỏ tóc dài
Thương ôi vạn thuở, biết nói chi nguôi
Em mỉm môi cười, anh mang nỗi nhớ

Có lẽ cũng giống như ông ấy tôi đã mãi nhớ những hình bóng của một bờ tóc dài, một dáng vai thon, một nét môi cười, một cặp sách ôm nghiêng…và đã lỡ đem tất cả những hình ảnh trên con đường đi học ấy gom vào một nỗi nhớ vạn thuở để rồi nó trở thành duy nhất mà không có gì có thể thay thế được.
Năm ngày là một khoảng thời gian quá ngắn để có thể nhặt nhạnh cho hết những dấu tích của một thời trẻ dại đầy nông nổi đã lưu lại trên từng mỗi con đường góc phố Banmê. Cuối cùng rồi cũng phải chia tay, theo con đường Nguyễn-Chí-Thanh mà ngày xưa chúng tôi thường gọi là đường L19 ( vì ở đây có một phi trường quân sự của Mỹ chuyên dành cho máy bay trực thăng và L19 một loại máy bay trinh sát nhỏ và nhẹ ) Nếu nối dài con đường này cho đến Hoà Bình khoảng 10km thì nó sẽ có rất nhiều địa danh mà bất cứ ai là một người Banmê cũ thì cũng biết và cũng đều có không nhiều thì ít những kỷ niệm rơi rớt ở đó như: Trung tâm tình thương, Hồ Trung tâm, Đồi thông, Rừng Lao xao…
Đến cây số 5 xe rẽ vào Quốc lộ 21 hướng về Nha Trang và đang dần… đang dần xa thành phố thân yêu. Sau khi vượt qua cánh rừng cao su bạt ngàn một màu xanh biếc xe chạy chậm dần vì đang leo lên một con dốc, chờ khi xe tới đỉnh cao nhất tôi cố quay lại để nhìn thành phố lần cuối nhưng đã chậm mất rồi, trước mặt tôi giờ đây Bamê chỉ còn là một hình ảnh nhạt nhoà, lung linh….trong mắt, người lái xe gật gật đầu ra dấu thông cảm yên lặng đưa cho tôi tờ giấy Kleenex tôi nói lời cảm ơn và lặng lẽ cúi đầu cùng với một nỗi buồn trĩu nặng lỡ mang theo.

Washington 01-30-2009

6 nhận xét:

Tran Chau nói...

Chau Tran < vuongthuynga@yahoo.com >

From: hung truong
To: vuongthuynga@yahoo.com
Sent: Thursday, April 2, 2009 12:57:45 AM
Subject: BMT

Hello Anh Châu,
Nhân Tiện đọc baì Trở laị BMT 2009 của Anh tôi thật xút đông.Anh nhắc cho tôi quá nhiều kỳ niện ỡ cái thơì tôi còn rất nhỏ lúc còn ỡ Trương tiêu học Trần Hưng Đaọ .Sáng đi trưa về qua đường hồ Ông Tinh đễ học sợ ông ấy và Anh Hông-meó té ra quần . Tôi thật rât thich bài viêt cuã anh. Tôi xa BMT và THTH năm 1975 và sau đó tôi định cư ỡ Úc. Tôi muốn có dịp đê đươc đi qua những nơi minh muốn đi qua đê tìm laị kỳ niêm thơì thơ ấu.

Trương Thanh Hưng
Melbourne Australia
2/04/09
***************

Hi anh Hưng
Cảm ơn anh đã đọc Trở lại Banmê và có sự đồng cảm. Banmêthuột là 1 tỉnh lỵ nhỏ, có lẽ vì vậy tuổi thơ của chúng ta đôi khi thường giống nhau. Mong anh sớm có dịp trở về thăm lại nơi mà chúng ta đã có 1 thời sinh sống và yêu thương.
Chúc anh cùng gia đình mọi sự tốt lành
Thân
Trần Châu
Anh cũng học THTH ? Niên khoá nào vậy ?

NGUYEN NGOC HA nói...

Hi Tran Chau.
Doc bai Tro ve Banme cua Chau thay that la hay,no da dem Ha tro ve voi thoi nien thieu ma nhieu luc tuong rang minh da danh mat tren cuoc doi day ray nhung trac tro va trien mien vat lon voi vat chat.Cuoc doi ngan ngui ma thoi gian thi qua qua nhanh, uoc gi ban be minh lai co lan cung nhau lanh thanh qua nhung con duong goc pho xua de duoc" them ban bot thu " N N HA.

Nguyễn đức Hòa nói...

Đọc bài của bạn nhớ BMT quá bạn ơi!Mình cũng mong có ngày về lại chốn cũ như T.Châu để được nhìn thấy những gương mặt thân yêu của thầy cô, bạn bè và để được nhìn lại những con đường đã từng đi qua với bao kỷ niệm buồn vui của một thời áo xanh đầy nuối tiếc ...và chắc chắn một ngày nào đó mình sẽ về.

Nặc danh nói...

Cam on ban Chau. Doc bai viet cua ban thay nho Ban Me Thuot den muon khoc. Noi do toi cung da lon len cung voi nhung ky niem chang bao gio quen.
Toi da xa BMT tu nam 1974 sau khi tot nghiep Trung Hoc. Va da 35 nam chua co dip tro ve.
Bay gio da den tuoi "co nhung dem ve sang, doi sao buon chi may co nhan oi.." lai cang thay nho BMT hon.
Chuc Chau va gia dinh luon an vui va khoe manh.
Cam on website cuu hoc sinh Tong Hop 68-75 rat rat nhieu. You 68-75 are the best.
Tran Duy Khang
khangtran@hotmail.com

Henry nói...

Hello Tran Chau..
Hoc rat thich bai cua TC viet ve BMT..Hoc co mot cau hoi la Cong vien Ton That Niem co phai la truoc mat Ty Buu Dien cu va Toa An khong..
Neu dung..thi chinh la cho Hoc va gia dinh o trong do..khong ngo ho bien doi thanh cong vien.. va tao nha khong biet con hay khong..neu TC co mot buc anh nao ve location nay va cho Hoc xin thi qua la tuyet voi..Vi Hoc va gai dinh dinh cu o Hoa ky tu 75 nen khong con khai niem gi ve BMT
men..
hnguyen210@gmail.com

Tran Chau nói...

Hi Henry,
Cảm ơn Henry đã thích bài viết của tôi.
Đúng rồi, khu Tôn Thất Niệm đối diện với Ty Bưu điện và Toà án cũ, ngày xưa mình thường leo rào vào đây chơi vì có nhiều cây cao bóng mát.Từ lâu rồi nó đã được xây dựng để trở thành Nhà Văn hoá Thanh Niên của thành phố Ban mê thuột, cảnh vật nơi đây đã hoàn toàn biến đổi. Những dấu tích cũ có còn chăng có lẽ chỉ là những kỷ niệm còn lưu lại trong tâm tưởng của những ai đã từng yêu thương nó. Tôi sẽ liên lạc với bạn bè cũ bên VN hi vọng họ sẽ gửi cho Henry những tấm ảnh xưa và nay có liên quan đến khu Tôn Thất Niệm.
Thân
CT